Chuyên mục
Chuyên ngành

Định hướng nghề nghiệp trong tương lai – Bước đi đầu tiên của sự thành công

“Định hướng nghề nghiệp” là cụm từ đã khá quen thuộc với các bạn học sinh, sinh viên. Đó là quyết định quan trọng đầu tiên trên con đường sự nghiệp của bất cứ ai. Thế nhưng không phải ai cũng có thể tự hướng nghiệp cho bản thân. Vì vậy, bài viết hôm nay sẽ chỉ ra một số kinh nghiệm giúp bạn có thể tự định hướng nghề nghiệp trong tương lai một cách đúng đắn nhất.

Tầm quan trọng của việc định hướng nghề nghiệp cho tương lai

Công việc, sự nghiệp là một phần quan trọng có ảnh hưởng đến cả cuộc đời của mỗi con người. Công việc giúp chúng ta có thu nhập để nuôi sống bản thân, gia đình, có mục đích để cố gắng phát triển và cảm thấy có ích cho xã hội. Định hướng nghề nghiệp sớm không chỉ giúp bạn xác định được hướng đi đúng đắn cho sự nghiệp của mình mà còn là bước đệm quan trọng cho sự thành công trong sự nghiệp. Việc định hướng đúng nghề nghiệp sẽ giúp bạn có kế hoạch cụ thể cho việc trau dồi thêm kiến thức và kỹ năng về ngành nghề ấy, tạo bước đi vững chắc cho tương lai.

Chọn nghề chính là chọn tương lai, vì vậy, một khi đã lựa chọn sai lầm thì sẽ ít có cơ hội để làm lại từ đầu. Lựa chọn sai lầm sẽ khiến bạn lãng phí cả thời gian, công sức và tiền bạc. Quan trọng hơn, một khi cảm thấy hối tiếc về sự lựa chọn của mình, bạn sẽ đánh mất phương hướng, mất đi sự cố gắng khiến cuộc sống càng thêm bế tắc.

Những cách đơn giản giúp bạn định hướng nghề nghiệp đúng đắn

Định hướng nghề nghiệp mới nghe qua có vẻ to tát nhưng nó sẽ dễ dàng hơn khi bạn đã có sự tìm hiểu kỹ về công việc mình muốn làm và biết rõ năng lực cũng như những nhu cầu của bản thân. Thậm chí ngay cả khi bạn còn đang “mông lung” chưa biết chọn ngành nghề gì thì cũng đừng lo lắng. Những lời khuyên sau đây sẽ giúp bạn chọn được ngành nghề phù hợp.

Hiểu rõ năng lực bản thân

Xác định năng lực bản thân rất quan trọng vì nó sẽ giúp bạn biết được mức độ phù hợp của bạn với công việc đó như thế nào. Không nên chọn những công việc nằm ngoài khả năng của mình bởi nó sẽ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và lãng phí nhiều thời gian. Giả sử bạn rất muốn trở thành bác sĩ trong tương lai nhưng kết quả học tập của bạn không tốt, bạn cũng không có khả năng làm việc ở môi trường áp lực cao như bệnh viện. Vậy tại sao bạn không chọn cho mình một ngành nghề khác nhẹ nhàng hơn? Có tất nhiều công việc liên quan đến ngành y, liên quan đến niềm đam mê của bạn. Việc thay đổi hướng đi cho phù hợp với khả năng sẽ giúp bạn thêm tự tin và giảm bớt áp lực.

Xác định mục tiêu công việc

Hãy xác định bạn muốn gì ở công việc sau này của mình? Bạn muốn có thật nhiều tiền? Bạn muốn địa vị cao? Hay đơn giản chỉ là muốn một công việc thoải mái để tận hưởng cuộc sống? Chỉ khi xác định được cụ thể những điều này, bạn mới có thể nỗ lực hết mình để thực hiện được những tham vọng, những mục tiêu của bản thân.

Đừng để những kỳ vọng của người khác ảnh hưởng đến tương lai của bạn

Sự thật là có rất nhiều bậc cha mẹ luôn tự quyết định hướng đi cho con cái. Những nghành nghề mà họ chọn chính là sự kỳ vọng của bản thân, cũng có thể là ước mơ dang dở mà chính bản thân các bậc phụ huynh chưa thực hiện được.

Đã có rất nhiều người lâm vào bế tắc, cảm thấy mệt mỏi với cuộc sống, với công việc cũng vì không tự quyết định được hướng đi của mình. Vì vậy, bạn chỉ nên tham khảo ý kiến của người thân, bạn bè… chứ đừng để những ý kiến ấy “đóng khung” bản thân mình. Hãy tự lựa chọn những ngành nghề bạn cho là phù hợp, bạn có thể thực hiện được và bạn sẽ cố gắng hết sức cho công việc mà mình đã theo đuổi.

Chọn nghề theo sở thích hay theo nhu cầu xã hội?

Rất nhiều bạn trẻ đang chạy theo số đông, theo đuổi những ngành nghề “hot”, những ngành có khả năng xin việc cao mà không cần quan tâm liệu mình có thích công việc đó không, mình có khả năng làm tốt nó không. Xã hội luôn thay đổi và nhu cầu việc làm cho từng ngành nghề vào từng thời điểm cũng sẽ khác nhau. Có thể thời điểm bạn lựa chọn, nghề ấy đang rất có triển vọng nhưng vài năm sau, nhu cầu xã hội đã đủ thì cơ hội việc làm lại trở nên khó khăn hơn.

Ngược lại, khi chọn nghề theo sở thích, bạn sẽ làm việc với niềm đam mê bất tận, tạo ra được nhiều giá trị. Có thể đó không phải là công việc “danh giá” như mọi người thường nói, không kiếm được nhiều tiền nhưng lại khiến bạn cảm thấy hạnh phúc vì được làm công việc yêu thích. Sự đam mê trong công việc mới chính là chìa khóa giúp bạn mở cánh cửa thành công của cuộc đời mình.

Kết luận

Đứng trước những sự lựa chọn mang tính quyết định, bạn hãy thật tỉnh táo, hãy chọn một công việc mà bạn thấy phù hợp trên mọi phương diện. Dù là ngành nghề nào đi chăng nữa thì chỉ khi làm việc với đam mê thì bạn mới cảm thấy hạnh phúc, mới tạo ra được nhiều giá trị cho bản thân và những người xung quanh.

Chuyên mục
Tìm việc làm

Tinh thần đồng đội – Yếu tố tiên quyết cho sự lớn mạnh của mọi doanh nghiệp

Bất kỳ một tập thể nào cũng không thể lớn mạnh nếu thiếu đi yếu tố tinh thần đồng đội. Đối với các doanh nghiệp thì yếu tố này còn quan trọng hơn gấp nhiều lần bởi nó không chỉ tạo nên sự lớn mạnh mà còn tạo nên sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp ấy.

Tinh thần đồng đội là gì?

Tinh thần đồng đội còn được gọi là làm việc theo nhóm. Theo đó, các cá nhân sẽ được phân chia công việc làm cụ thể phù hợp với năng lực để cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Sự làm việc “ăn ý” giữa các cá nhân trong cùng nhóm sẽ là tiền đề tạo ra những giá trị to lớn cho doanh nghiệp.

Tầm quan trọng của tinh thần đồng đội với doanh nghiệp

Nếu ví doanh nghiệp là một cỗ máy vận hành theo một quỹ đạo nhất định thì mỗi cá nhân chính là một mắt xích trong cỗ máy ấy. Tinh thần đồng đội chính là sự “ăn khớp” giữa các mắt xích, giúp cỗ máy ấy vận hành một cách trơn tru, đúng quỹ đạo. Khi một cá nhân trượt khỏi quỹ đạo sẽ khiến cho cả tập thể bị ảnh .Vì vậy, có thể nói rằng tinh thần đồng đội chính là yếu tố tiên quyết làm nên sự thành bại của mọi doanh nghiệp.

Lợi ích của tinh thần đồng đội với từng cá nhân

Hiệu ứng tinh thần đồng đội không chỉ tạo ra những giá trị to lớn cho doanh nghiệp mà còn tạo ra nhiều giá trị cho từng cá nhân. Khi làm việc nhóm tốt cũng có nghĩa là bạn đã gạt bỏ bớt những cá tính của bản thân, luôn vì mục tiêu của tập thể mà cố gắng. Các công ty, doanh nghiệp đều đánh giá rất cao những nhân viên có tinh thần đồng đội và sẽ tạo nhiều cơ hội thăng tiến cho những nhân viên ấy.

Làm gì để phát triển tinh thần đồng đội bền vững

Khi một tập thể ngày càng lớn mạnh, số lượng nhân viên ngày càng đông thì tinh thần đồng đội lại trở thành một thách thức lớn cho doanh nghiệp ấy. Vì vậy, với vai trò là một nhân viên, một mắt xích trong cỗ máy công ty, bạn cần trau dồi những kỹ năng sau để có thể góp phần cho sự phát triển tinh thần đồng đội bền vững.

Sắp xếp công việc một cách hợp lý

Kỹ năng làm việc theo nhóm đòi hỏi mỗi nhân viên phải có khả năng làm việc khoa học và tổ chức tốt công việc của mình. Hiểu theo cách đơn giản thì chính là bạn phải biết phân bổ công việc và thời gian hoàn thành từng công việc một cách hợp lý. Một khi tổ chức tốt công việc cá nhân, bạn sẽ có khả năng xử lý những vấn đề phát sinh và không làm ảnh hưởng đến kế hoạch chung của nhóm.

Thái độ làm việc nghiêm túc và có trách nhiệm

Làm việc nhóm không chỉ có mục đích gắn kết các cá thể với nhau mà còn giúp nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công việc cho tất cả mọi người. Một cá nhân với cách làm việc thiếu trách nhiệm, ỷ lại sẽ gây ảnh hưởng đến người khác và làm gián đoạn những kế hoạch ban đầu, hiệu quả công việc theo đó cũng ảnh hưởng theo. Vì vậy, muốn làm việc nhóm tốt, bạn cần có tinh thần trách nhiệm cao để không gây những ảnh hưởng xấu đến tập thể.

Học cách lắng nghe và tôn trọng người khác

Khi làm việc độc lập, bạn có thể tự đưa ra những quyết định quan trọng nhưng làm việc theo nhóm thì khác. Một nhóm với rất nhiều người sẽ không thể tránh khỏi những tranh cãi. Tranh cãi để đưa ra được ý kiến đóng góp cho công ty là điều tốt. Nhưng nếu tranh cãi chỉ vì tư lợi cá nhân hay đơn giản chỉ là để thể hiện bản thân là điều không nên.

Mặt khác, bạn có thể là người ưu tú nhưng không hẳn là giỏi ở mọi lĩnh vực. Nếu biết lắng nghe những góp ý từ đồng nghiệp và chắt lọc những lời khuyên bổ ích, bạn sẽ thu nhận được nhiều kiến thức và kinh nghiệm quan trọng để bổ sung cho sự thiếu sót của bản thân và hoàn thiện mình hơn. Đặc biệt là khi bạn đảm nhận những vị trí quan trọng trong đội nhóm. Biết cách lắng nghe và tôn trọng mọi người thì chắc chắn bạn sẽ tạo nên những kết quả tuyệt vời.

Kết luận

Có thể nói, tinh thần đồng đội chính là đòn bẩy giúp mọi doanh nghiệp phát triển bền vững và lớn mạnh. Hiện nay, nhiều công ty xem đó như là một tiêu chuẩn quan trọng để lựa chọn và đánh giá nhân viên. Vì vậy, hãy để khả năng làm việc theo nhóm trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho con đường sự nghiệp và thành công của bạn.

Chuyên mục
Tìm việc làm

Cách viết mail xin nghỉ việc chuyên nghiệp và khéo léo

Trong sự nghiệp của mỗi người, hẳn là ai cũng phải đôi lần “nhảy việc”. Tùy thuộc vào văn hóa nơi làm việc mà bạn có những cách xin nghỉ khác nhau. Nhưng cách phổ biến nhất và chuyên nghiệp nhất đó là viết mail xin nghỉ việc.

Đối với nhiều người, đây quả thực là một nhiệt vụ khó khăn bởi không biết đưa ra lý do như thế nào cho thuyết phục và làm sao để nghỉ việc rồi mà ấn tượng đồng nghiệp cũ dành cho bạn vẫn tốt đẹp? Bài viết này sẽ bật mí cho bạn một vài bí quyết đơn giản về cách viết đơn xin nghỉ việc sao cho chuyên nghiệp và thuyết phục nhất nhé.

Tại sao phải viết đơn xin nghỉ việc?

Đã bao giờ bạn nghĩ tới trường hợp mình đột ngột nghỉ việc mà không hề có một lá đơn xin từ chức nào? Hẳn là cấp trên và đồng nghiệp của bạn sẽ thấy thật thất vọng. Nhưng quan trọng hơn là bạn đã để lại những ấn tượng không mấy tốt đẹp cho những đồng nghiệp cũ. Vì vậy, viết đơn xin thôi việc là thủ tục không thể thiếu trước khi bạn rời bỏ công việc mình đang làm.

Mặt khác, một lá đơn xin từ chức sẽ giúp bộ phận nhân sự lưu lại những thông tin cần thiết như ngày bạn gửi đơn, ngày bạn rời đi hoặc những thông tin quan trọng khác để hoàn tất thủ tục chấm dứt hợp đồng với công ty. Một lá đơn xin từ chức trước khi nghỉ việc khoảng 15-30 ngày sẽ giúp công ty có những điều chỉnh nhân sự thay thế cho vị trí của bạn.

Cách viết mail xin nghỉ việc chuyên nghiệp và ấn tượng

Đơn xin nghỉ việc hay với lý do thuyết phục không chỉ thể hiện sự chuyên nghiệp của bạn mà còn là sự tôn trọng bạn dành cho công ty, nơi mà bạn đã từng gắn bó.

Nêu rõ lý do từ chức

Đây có lẽ là phần khó khăn nhất cho tất cả mọi người khi viết đơn từ chức bởi đây chính là yếu tố quyết định đến việc cấp trên có xét duyệt đơn xin nghỉ việc của bạn hay không. Nếu bạn chưa có một lý do nào thuyết phục thì hãy tham khảo một trong 7 lý do sau đây:

Thứ nhất, công việc mà bạn đang làm không đúng với chuyên môn, năng lực.

Thứ hai, mục tiêu nghề nghiệp thay đổi hoặc đã tìm ra hướng đi mới cho sự phát triển của bản thân.

Thứ ba, thay đổi nơi ở mới, chuyển đến khu vực rất xa công ty

Thứ tư, công ty không đáp ứng được nhu cầu thăng tiến của bạn.

Thứ năm, mức lương chưa phù hợp với công sức mà bạn bỏ ra.

Thứ sáu, vấn đề sức khỏe của bản thân hay người nhà khiến bạn không đảm đương được công việc.

Thứ bảy, nghỉ ngơi chuẩn bị cho việc sinh con.

Sử dụng ngôn từ đúng mực

Bên cạnh việc đưa ra một lý do nghỉ việc thuyết phục, bạn cũng cần phải khéo léo trong việc sử dụng ngôn từ. Tránh vì sự bất mãn với công ty mà dùng các từ ngữ thiếu tôn trọng hay tiêu cực.

Ngoài ra, bạn cũng nên dành ra vài dòng cảm ơn cấp trên và đồng nghiệp đã giúp đỡ và hỗ trợ bạn trong suốt thời gian bạn làm việc ở công ty. Dù thích hay không thì đó cũng là những người đã từng làm việc và gắn bó với bạn. Một lời cảm ơn đơn giản đến cấp trên và đồng nghiệp sẽ tạo ấn tượng tốt với mọi người ngay cả khi bạn không còn làm việc với họ nữa. Và đồng nghiệp cũ cũng chẳng có lý do gì để nói xấu bạn với một nhà tuyển dụng tiềm năng mà bạn đang hướng đến.

Thông báo rõ thời gian bạn rời đi

Như đã đề cập ở trên, khi viết đơn xin nghỉ việc, bạn cần nêu rõ thời gian mình sẽ chính thức nghỉ việc ở công ty. Điều này không chỉ giúp công ty có thời gian chuẩn bị nhân sự thay thế cho vị trí của bạn mà còn đảm bảo quyền lợi khi bạn chấm dứt hợp đồng. Một khi nghỉ việc mà không thông báo với các bộ phận liên quan thì rất có khả năng bạn sẽ không được thanh toán tiền lương cho tháng đó và những phúc lợi khác dành cho nhân viên từ chức cũng không được giải quyết.

Bàn giao công việc và tài sản công ty

Một thủ tục quan trọng khác nữa mà tất cả mọi nhân viên khi xin từ chức đều phải thực hiện đó là bàn giao công việc và tài sản công ty. Đó là những công việc bạn đang làm dang dở, là những trang thiết bị được cấp khi làm việc, hoặc những tài sản khác mà bạn đang nắm giữ của công ty.

Khi bạn bàn giao đầy đủ và kỹ lưỡng, người tiếp nhận sẽ dễ dàng hoàn thành tốt công việc dang dở mà bạn để lại. Kế hoạch của công ty cũng sẽ không bị đình trệ hay gián đoạn vì sự từ chức của bạn. Ngoài ra, việc bàn giao tài sản rõ ràng, dứt điểm còn giúp bạn tránh khỏi những rắc rối không đáng có phát sinh sau khi nghỉ việc.

Kết luận

Cách viết mail xin nghỉ việc tuy đơn giản nhưng lại rất quan trọng bởi nó thể hiện sự chuyên nghiệp và tinh tế. Một email xin nghỉ với đầy đủ nội dung và ngôn từ khéo léo sẽ luôn mang lại kết quả tốt, giúp bạn để lại những ấn tượng đẹp với cấp trên và đồng nghiệp.