“Định hướng nghề nghiệp” là cụm từ đã khá quen thuộc với các bạn học sinh, sinh viên. Đó là quyết định quan trọng đầu tiên trên con đường sự nghiệp của bất cứ ai. Thế nhưng không phải ai cũng có thể tự hướng nghiệp cho bản thân. Vì vậy, bài viết hôm nay sẽ chỉ ra một số kinh nghiệm giúp bạn có thể tự định hướng nghề nghiệp trong tương lai một cách đúng đắn nhất.
Tầm quan trọng của việc định hướng nghề nghiệp cho tương lai
Công việc, sự nghiệp là một phần quan trọng có ảnh hưởng đến cả cuộc đời của mỗi con người. Công việc giúp chúng ta có thu nhập để nuôi sống bản thân, gia đình, có mục đích để cố gắng phát triển và cảm thấy có ích cho xã hội. Định hướng nghề nghiệp sớm không chỉ giúp bạn xác định được hướng đi đúng đắn cho sự nghiệp của mình mà còn là bước đệm quan trọng cho sự thành công trong sự nghiệp. Việc định hướng đúng nghề nghiệp sẽ giúp bạn có kế hoạch cụ thể cho việc trau dồi thêm kiến thức và kỹ năng về ngành nghề ấy, tạo bước đi vững chắc cho tương lai.
Chọn nghề chính là chọn tương lai, vì vậy, một khi đã lựa chọn sai lầm thì sẽ ít có cơ hội để làm lại từ đầu. Lựa chọn sai lầm sẽ khiến bạn lãng phí cả thời gian, công sức và tiền bạc. Quan trọng hơn, một khi cảm thấy hối tiếc về sự lựa chọn của mình, bạn sẽ đánh mất phương hướng, mất đi sự cố gắng khiến cuộc sống càng thêm bế tắc.
Những cách đơn giản giúp bạn định hướng nghề nghiệp đúng đắn
Định hướng nghề nghiệp mới nghe qua có vẻ to tát nhưng nó sẽ dễ dàng hơn khi bạn đã có sự tìm hiểu kỹ về công việc mình muốn làm và biết rõ năng lực cũng như những nhu cầu của bản thân. Thậm chí ngay cả khi bạn còn đang “mông lung” chưa biết chọn ngành nghề gì thì cũng đừng lo lắng. Những lời khuyên sau đây sẽ giúp bạn chọn được ngành nghề phù hợp.
Hiểu rõ năng lực bản thân
Xác định năng lực bản thân rất quan trọng vì nó sẽ giúp bạn biết được mức độ phù hợp của bạn với công việc đó như thế nào. Không nên chọn những công việc nằm ngoài khả năng của mình bởi nó sẽ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và lãng phí nhiều thời gian. Giả sử bạn rất muốn trở thành bác sĩ trong tương lai nhưng kết quả học tập của bạn không tốt, bạn cũng không có khả năng làm việc ở môi trường áp lực cao như bệnh viện. Vậy tại sao bạn không chọn cho mình một ngành nghề khác nhẹ nhàng hơn? Có tất nhiều công việc liên quan đến ngành y, liên quan đến niềm đam mê của bạn. Việc thay đổi hướng đi cho phù hợp với khả năng sẽ giúp bạn thêm tự tin và giảm bớt áp lực.
Xác định mục tiêu công việc
Hãy xác định bạn muốn gì ở công việc sau này của mình? Bạn muốn có thật nhiều tiền? Bạn muốn địa vị cao? Hay đơn giản chỉ là muốn một công việc thoải mái để tận hưởng cuộc sống? Chỉ khi xác định được cụ thể những điều này, bạn mới có thể nỗ lực hết mình để thực hiện được những tham vọng, những mục tiêu của bản thân.
Đừng để những kỳ vọng của người khác ảnh hưởng đến tương lai của bạn
Sự thật là có rất nhiều bậc cha mẹ luôn tự quyết định hướng đi cho con cái. Những nghành nghề mà họ chọn chính là sự kỳ vọng của bản thân, cũng có thể là ước mơ dang dở mà chính bản thân các bậc phụ huynh chưa thực hiện được.
Đã có rất nhiều người lâm vào bế tắc, cảm thấy mệt mỏi với cuộc sống, với công việc cũng vì không tự quyết định được hướng đi của mình. Vì vậy, bạn chỉ nên tham khảo ý kiến của người thân, bạn bè… chứ đừng để những ý kiến ấy “đóng khung” bản thân mình. Hãy tự lựa chọn những ngành nghề bạn cho là phù hợp, bạn có thể thực hiện được và bạn sẽ cố gắng hết sức cho công việc mà mình đã theo đuổi.
Chọn nghề theo sở thích hay theo nhu cầu xã hội?
Rất nhiều bạn trẻ đang chạy theo số đông, theo đuổi những ngành nghề “hot”, những ngành có khả năng xin việc cao mà không cần quan tâm liệu mình có thích công việc đó không, mình có khả năng làm tốt nó không. Xã hội luôn thay đổi và nhu cầu việc làm cho từng ngành nghề vào từng thời điểm cũng sẽ khác nhau. Có thể thời điểm bạn lựa chọn, nghề ấy đang rất có triển vọng nhưng vài năm sau, nhu cầu xã hội đã đủ thì cơ hội việc làm lại trở nên khó khăn hơn.
Ngược lại, khi chọn nghề theo sở thích, bạn sẽ làm việc với niềm đam mê bất tận, tạo ra được nhiều giá trị. Có thể đó không phải là công việc “danh giá” như mọi người thường nói, không kiếm được nhiều tiền nhưng lại khiến bạn cảm thấy hạnh phúc vì được làm công việc yêu thích. Sự đam mê trong công việc mới chính là chìa khóa giúp bạn mở cánh cửa thành công của cuộc đời mình.
Kết luận
Đứng trước những sự lựa chọn mang tính quyết định, bạn hãy thật tỉnh táo, hãy chọn một công việc mà bạn thấy phù hợp trên mọi phương diện. Dù là ngành nghề nào đi chăng nữa thì chỉ khi làm việc với đam mê thì bạn mới cảm thấy hạnh phúc, mới tạo ra được nhiều giá trị cho bản thân và những người xung quanh.